Nhờ định hướng đúng đắn, cơ chế khuyến khích đồng bộ, sự thống nhất cao và linh hoạt trong điều hành của tập thể lãnh đạo cùng sự hỗ trợ của Chính phủ, Bộ Công Thương, Ninh Thuận đã biến vùng đất cằn cỗi chỉ có nắng và gió trở thành một trung tâm công nghiệp năng lượng sạch của cả nước, đồng thời tạo nền tảng và mở ra cơ hội cho các lĩnh vực kinh tế khác phát triển trong tương lai gần.
Để rõ hơn về những thành quả vượt bậc mà Ninh Thuận đã đạt được thông qua chính sách thu hút đầu tư năng lượng tái tạo, Tờ Báo Công Thương đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Văn Hậu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận.
Ngày 31/8/2018 Chính phủ ban hành Nghị quyết 115/NQ-CP về việc thực hiện một số cơ chế chính sách đặc thù hỗ trợ Ninh Thuận phát triển kinh tế xã hội, ổn định sản xuất, đời sống nhân dân giai đoạn 2018-2023; trong đó, chấp thuận chủ trương phát triển Ninh Thuận trở thành trung tâm năng lượng tái tạo (NLTT) của cả nước. Ông có thể cho biết những kết quả đạt được của Ninh Thuận đến thời điểm này?
Có thể nói, Nghị quyết 115/NQ-CP của Chính phủ là bước ngoặt, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của Ninh Thuận, đặc biệt trong 3 năm cuối của nhiệm kỳ 2016-2020.
Ninh Thuận là địa phương có tiềm năng lớn về NLTT với khả năng phát triển tối đa khoảng 13.000 MW điện gió, hơn 8.000 MW điện mặt trời nên ngay từ rất sớm, các cấp lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận xác định rõ ràng định hướng phát triển và chủ động chuẩn bị các điều kiện để đón đầu chính sách của Chính phủ.
Đến nay tỉnh đã cấp 34 dự án điện mặt trời, trong đó có 21 dự án với công suất hơn 1.300 MW đã hoàn thành phát điện, hơn 11 dự án đang triển khai và hoàn thành với công suất hơn 2.200 MW bao gồm hơn 50 MW điện mặt trời áp mái. Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh cũng đã hoàn thành và đưa vào vận hành 3 dự án điện gió với 229 MW và 278 MW dự án thuỷ điện vừa và nhỏ.
Như vậy tính đến cuối năm 2020, tổng nguồn phát điện đưa vào vận hành trên địa bàn Ninh Thuận là 2.680 MW, sản lượng điện phát tối đa là 3,5 tỷ kWh.
Ông Phạm Văn Hậu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận
Song song với việc phát triển nguồn điện, được sự hỗ trợ của Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), hệ thống lưới điện truyền tải các cấp điện áp từ 110/220/500 kV cũng đã được đầu tư đồng bộ. Đến nay có 03 dự án 500 kV được triển khai (2 dự án của EVNNPT, 1 dự án của tư nhân đầu tư theo chấp thuận của Thủ tướng); 03 dự án 220kV và 06 dự án 110kV của ngành điện đang triển khai với tổng vốn đầu tư hơn 10.800 tỷ đồng.
Tất cả các dự án trên sẽ được hoàn thành vào cuối năm nay sẽ góp phần giải quyết toàn bộ các vướng mắc liên quan đến giải toả công suất của các nhà máy điện NLTT trên địa bàn thời gian qua.
Các dự án NLTT triển khai trên địa bàn đã có những đóng góp tích cực như thế nào đối với kinh tế xã hội của Ninh Thuận, thưa ông?
Có thể nói, các dự án đi vào hoạt động đã tạo sự lan toả rất lớn và tác động tích cực đến kinh tế xã hội của tỉnh. Nó kéo theo các lĩnh vực ngành nghề, dịch vụ, bất động sản, giải trí, giáo dục, y tế…. phát triển. Năm 2019, riêng các ngành công nghiệp – xây dựng đã có tốc độ tăng tới 39,7%; GPDR của tỉnh đạt 13,18%, nằm trong top 5 của cả nước. Đặc biệt, thu ngân sách của tỉnh từ hoạt động đầu tư, xây dựng sản xuất của dự án năng lượng đã đạt hơn 4.300 tỷ đồng, vượt trước một năm chỉ tiêu của Đại hội Đảng bộ tỉnh đặt ra là 3.000 tỷ vào năm 2020.
Kết quả này cho thấy, sự đầu tư đúng hướng, khai thác hết lợi thế tiềm năng cùng sự hỗ trợ kịp thời của Chính phủ đã giúp kinh tế xã hội của địa phương thực sự “cất cánh” trong những năm vừa qua.
Để đạt được những kết quả nổi bật trong thời gian qua, theo ông đâu là yếu tố quyết định và để tận dụng hết các tiềm năng, lợi thế sẵn có, tỉnh có đề xuất gì với Chính phủ và Bộ Công Thương về cơ chế, chính sách?
Để đạt được những kết quả như trên có nhiều yếu tố quan trọng. Trước hết là sự quan tâm ủng hộ của Chính phủ thông qua Nghị quyết 115, không chỉ giúp tỉnh vượt qua khó khăn khi dừng xây dựng dự án điện hạt nhân mà còn mở ra cơ hội cụ thể để Ninh Thuận tiến hành các bước phát triển thành trung tâm năng lượng sạch của cả nước.
Thứ hai là Chính phủ đã ưu tiên tạo điều kiện cho Ninh Thuận cơ chế phát triển điện mặt trời dài hơn so với chính sách chung (Quyết định 11/QĐ-TTg), trong đó cho Ninh Thuận phát triển tối đa 2.000 MW điện mặt trời, đi kèm với đó là cơ chế về giá cho các dự án, kéo dài đến hết năm 2020. Những chính sách khung đã tạo nền tảng giúp cho tỉnh phát triển rất nhanh.
Từ chính sách này, Bộ Công Thương đã có những chỉ đạo, hỗ trợ kịp thời để ngành điện tập trung đầu tư cho hệ thống truyền tải. Đến cuối năm 2020, hạ tầng truyền tải sẽ đáp ứng yêu cầu về điện trong hiện tại và 5-10 năm tới, tạo cơ sở để phát triển nhiều loại hình năng lượng khác như điện khí, thuỷ điện tích năng Bắc Ái và các dạng NLTT còn lại.
Thứ ba là tầm nhìn và tính chủ động của địa phương. Ngay từ ban đầu, tỉnh đã thống nhất phát triển các quy hoạch đồng bộ từ đất đai, đến quy hoạch điện gió, điện mặt trời…giúp cho nhà đầu tư khi triển khai các dự án không bị vướng mắc.
Tuy nhiên, ở Ninh Thuận nói riêng và nhiều địa phương vẫn gặp khó khăn trong phát triển NLTT như cơ chế, chính sách không theo kịp thực tiễn. Đơn cử như cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời, điện gió chỉ áp dụng trong thời gian quá ngắn. Trong khi thủ tục đầu tư dự án kéo dài, qua nhiều công đoạn đã ảnh hưởng tới tâm lý, tiến độ triển khai cũng như sự rủi ro cho các nhà đầu tư.
Bên cạnh đó, chính sách đền bù giải phóng mặt bằng, hay gần đây là thủ tục chuyển đổi đất rừng còn nhiều bất cập, chưa đồng bộ, thủ tục kéo dài ảnh hưởng đến việc phát triển NLTT. Hay vấn đề truyền tải điện cũng vướng quy hoạch điện lực..Đây là những vướng mắc cần sớm tháo gỡ trong tương lai.
Để xử lý vấn đề này, chúng tôi cho rằng, trong Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị đã nêu rất rõ định hướng, mục tiêu, nên cơ quan quản lý Nhà nước cần bám sát để đưa vào quy hoạch điện VIII tới đây. Ngay từ bây giờ Bộ Công Thương, các bộ ngành cùng các điạ phương cần rà soát lại theo hướng điện nền kết hợp với NLTT. Từ sơ đồ điện VIII sẽ tích hợp vào các quy hoạch khác ví dụ như đất đai, đầu tư hạ tầng, nhập khí giao thông… có như vậy mới tạo sự đồng bộ trong phát triển chung.
Trình tự, thủ tục các dự án điện lực cần rút ngắn ví dụ như đấu nối hiện nay phải qua Tổng công ty Điện lực đến EVN, các Bộ ngành mới đến địa phương triển khai. Thủ tục kéo dài gây tốn kém, lãng phí nguồn lực. Bên cạnh đó, Nhà nước cũng cần đưa ra chính sách giá điện ổn định, hợp lý, tránh lo ngại cho các nhà đầu tư.
Một vấn đề cũng được nhiều doanh nghiệp quan tâm là xã hội hoá lưới điện truyền tải, theo ông, Nhà nước cần có những quy định cụ thể nào để thúc đẩy tư nhân tham gia đầu tư vào lĩnh vực truyền tải?
Xã hội hoá trong đầu tư lưới điện truyền tải đã được khẳng định trong Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị, vấn đề là chúng ta triển khai như thế nào. Qua theo dõi và nghiên cứu lĩnh vực này tôi thấy, tư nhân tham gia đầu tư vào truyền tải có hai lĩnh vực: Thứ nhất là xây dựng hệ thống truyền tải kết hợp với dự án. Vì nó gắn liền với quyền lợi của doanh nghiệp nên họ chấp nhận bỏ kinh phí đầu tư bàn giao cho Nhà nước quản lý. Do đó, cần cụ thể hoá thể chế này sớm, để quá trình bàn giao, tiếp nhận rõ ràng, minh bạch, chứ không phải để nhà đầu tư lại đi làm việc với bộ ngành, hỏi thủ tục bàn giao.
Thứ hai là đầu tư khai thác kinh doanh hệ thống truyền tải. Cần cụ thể hoá Nghị quyết 55 bằng các điều luật một cách rõ ràng. Hệ thống đường truyền tải cũng giống như tuyến quốc lộ, ai đi qua đó thì có nghĩa vụ trả phí. Nếu làm được như vậy mới thu hút được dòng vốn tư nhân tham gia đầu tư phát triển hệ thống truyền tải.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
>> Hình ảnh về một Ninh Thuận ngày càng đổi thay, giàu mạnh hơn
- Theo Congthuong.vn -