0
Chưa có sản phẩm nào trong giỏ hàng

Gỗ công nghiệp, đặc biệt là gỗ MDF được sử dụng phổ biến trong sản xuất, thiết kế nội thất nhà ở. Thế nhưng, không phải người tiêu dùng nào cũng nắm rõ được đặc tính, ưu nhược điểm của loại gỗ này để lựa chọn sao cho phù hợp với không gian sống nhà mình. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp những thông tin hữu ích liên quan tới gỗ công nghiệp MDF.

Với chất lượng tốt, giá thành phải chăng, phù hợp với khả năng chi trả của nhiều gia đình nên gỗ MDF được sử dụng phổ biến trong thiết kế nội thất, nhất là nội thất nhà ở. Vật liệu được đánh giá là lựa chọn lý tưởng nếu bạn muốn sở hữu món nội thất phong cách, thiết kế đa dạng, bắt mắt mà không quá tốn kém.

Vậy gỗ công nghiệp MDF là gì? Ưu nhược điểm ra sao? Ứng dụng như thế nào vào thiết kế nội thất nhà ở? Những vấn đề này sẽ được làm rõ trong bài viết này.

 Gỗ MDF là đã và đang được sử dụng phổ biến trong thiết kế nội thất nhà ở.

Gỗ MDF là gì?

Khái niệm gỗ công nghiệp MDF

Đây là một trong những loại gỗ công nghiệp phổ biến hiện nay. Khái niệm gỗ công nghiệp được sử dụng để phân biệt với gỗ tự nhiên. Gỗ công nghiệp được sản xuất bằng cách sử dụng keo hóa chất kết hợp với vụn gỗ tự nhiên tạo thành các tấm gỗ mới. Phần lớn các loại gỗ công nghiệp hiện nay đều tận dụng nguyên liệu thừa, tái sinh từ gỗ tự nhiên nên có giá thành rẻ hơn rất nhiều so với gỗ tự nhiên.

Trong các loại gỗ công nghiệp (HDF, MFC...) thì gỗ MDF được ứng dụng phổ biến nhất trong thiết kế nội thất nhà ở. MDF là viết tắt của Medium Density Fiberboard, tức ván sợi mật độ trung bình. Thành phần của gỗ MDF gồm sợi gỗ, chất kết dính, bột độn vô cơ, chất chống ẩm mốc, mối mọt... Tất cả được trộn đều, sau đó ép dưới nhiệt độ và áp suất cao thành ván gỗ MDF.

Cấu tạo, thành phần

Thành phần của gỗ MDF chứa khoảng 75% các sợi gỗ. Sợi gỗ hầu hết được cắt và nghiền từ nhiều bộ phận như thân, cành, rễ của các loại cây rừng trồng ngắn ngày, gồm cả loại gỗ cứng và gỗ mềm, tuy nhiên gỗ mềm được dùng nhiều hơn nhằm tạo tính đàn hồi cho vật liệu. Nguyên liệu sản xuất ván MDF ngoài thân cây gỗ còn có thể tận dụng mùn cưa, đầu ngọn,... trong quá trình cưa xẻ gỗ.

Gỗ MDF ngoài các sợi gỗ còn có 11-14% keo liên kết các phân từ gỗ với nhau (keo UF); nước chiếm khoảng 6-10% và các thành phần phụ gia khác chiếm khoảng 1%.

Thành phần của gỗ MDF chứa khoảng 75% các sợi gỗ. 

Quy trình sản xuất

Hiện có 2 kiểu quy trình sản xuất gỗ MDF là quy trình sản xuất khô và quy trình sản xuất ướt.

 - Quy trình sản xuất khô:

Bước 1: Bột gỗ sau khi nghiền được trộn với các chất phụ gia và keo trong máy trộn sấy cho ra bột sợi. 

Bước 2: Bột sợi được rải ra bằng máy rải, cào thành 2-3 tầng tùy khổ. 

Bước 3: Các tầng bột sợi được chuyển qua máy ép gia nhiệt thực hiện ép 2 lần:

       Lần 1: Ép sơ bộ. Các tầng ván được ép sơ bộ để nén lại .

       Lần 2: Tất cả các tầng được ép chặt lại với nhau .

Bước 4: Cắt ván và bo biên. Ván sau khi ra thành dây chuyền dài sẽ được cắt thành các khổ khác nhau tạo nên ván MDF với nhiều kích cỡ khác nhau.

Bước 5: Xử lý nguội, chà nhám, phân loại và đóng gói.

 - Quy trình ướt:

Bước 1: Bột gỗ sau khi nghiền được phun nước làm ướt để vón thành dạng vẩy.

Bước 2: Vẩy gỗ được cào rải lên mâm ép, ép gia nhiệt sơ bộ 1 lần để tạo độ dày sơ bộ.

Bước 3: Ván sơ được cán hơi nhiệt để nén chặt 2 mặt lại và rút nước ra.

Bước 4: Cắt ván và bo biên - Ván sau khi ra thành dây chuyền dài sẽ được cắt thành các khổ khác nhau tạo nên ván MDF với nhiều kích cỡ khác nhau.

Bước 5: Xử lý nguội, chà nhám, phân loại và đóng gói.

Gỗ MDF có mấy loại?

Thị trường hiện có nhiều loại gỗ MDF khác nhau. Có thể căn cứ vào đặc tính hoặc mục đích sử dụng để phân loại gỗ công nghiệp này.

Phân loại theo đặc tính của gỗ MDF

Căn cứ vào đặc tính và tính chất vật lý nổi trội, gỗ MDF có thể được chia làm 3 loại gồm:

  •  Gỗ MDF thường
  •  Gỗ MDF chống cháy
  •  Gỗ MDF chống ẩm.

Rất đơn giản để nhận biết 3 loại gỗ công nghiệp nêu trên. Ván MDF chống cháy có màu đỏ; ván MDF chống ẩm màu xanh và ván MDF thường có màu tự nhiên của gỗ. Màu sắc giúp khách hàng phân biệt các loại gỗ MDF chứ không có khả năng chống cháy hay chống ẩm.

Phân loại gỗ MDF theo mục đích sử dụng

Theo mục đích sử dụng sẽ có các loại gỗ MDF sau: 

  • Gỗ MDF dùng trong nhà cho các món đồ nội thất như bàn ghế, giường, tủ, giá kệ, vách ngăn...
  • Gỗ MDF chống ẩm cho các sản phẩm ngoại thất
  • Gỗ MDF trơn làm bề mặt sàn, ốp panel tường
  • Gỗ MDF mặt không trơn để ép các bề mặt trang trí lên trên.

Sử dụng gỗ MDF có tốt không?

Đây là thắc mắc chung của hầu hết người tiêu dùng khi lựa chọn giữa gỗ tự nhiên và gỗ công nghiệp MDF. Hiệu quả sử dụng tới đâu phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, từ chất lượng sản phẩm, vị trí sử dụng, khâu vệ sinh, bảo trì như thế nào. Tuy nhiên, để đưa ra quyết định dứt khoát, bạn cần nằm rõ những ưu nhược điểm của gỗ MDF.

Ưu điểm của gỗ MDF

  • Gỗ MDF hạn chế được hiện tượng co ngót, cong vênh do tác động của điều kiện thời tiết. Nhờ đó, nội thất làm bằng chất liệu này có thể giữ được hình dạng ổn định, ít khi bị biến đổi.
  • Bề mặt gỗ MDF có kích thước lớn hơn nhiều so với gỗ tự nhiên, phù hợp để sản xuất nội thất có kích thước lớn mà không phải chắp nối.
  • Độ cứng cao, chịu lực tốt, bền đẹp.
  • Có khả năng chống mối mọt hoặc làm chậm sự xâm hại của mối mọt bởi trong quá trình sản xuất gỗ đã được xử lý, thêm vào các chất phụ gia, keo dính chuyên dụng có khả năng chống lại sự xâm nhập của mối mọt.
  • Tính thẩm mỹ cao, đa dạng về màu sắc và đường vân giả gỗ nên có thể thích hợp với nhiều phong cách thiết kế nội thất khác nhau.
  • Dễ dàng kết hợp với các loại chất liệu phủ bề mặt khác như veneer, laminate, acrylic,... giúp gỗ trở nên trơn đẹp hơn và chống thấm bề mặt hiệu quả.
  • Lắp đặt và thi công dễ dàng, nhanh chóng.
  • Giá thành gỗ MDF rẻ hơn so với gỗ tự nhiên.

Nhược điểm của gỗ MDF

  • Khả năng chống, chịu nước kém, nên nếu bị ngâm lâu trong nước thì các sợi gỗ sẽ bị bung nở, làm hỏng đồ nội thất.
  • Không chạm trổ được những họa tiết, hoa văn phức tạp như gỗ tự nhiên vì giữa các sợi gỗ vẫn còn khe hở và mật độ sợi gỗ chỉ ở mức trung bình.
  • Độ dẻo hạn chế nên khó thực hiện các chi tiết uốn cong phức tạp.
  • Độ dày hạn chế, do đó nếu muốn sản xuất nội thất có đồ dày lớn thì phải ghép nhiều tấm gỗ với nhau.
  • Tuổi thọ không cao bằng gỗ tự nhiên.
  • Một số loại gỗ MDF kém chất lượng, không sản xuất đúng quy trình, chưa được kiểm định có thể ảnh hưởng tới sức khỏe của người dùng.

Ứng dụng của gỗ MDF trong thiết kế nội thất nhà ở

Ngoài không gian văn phòng, gỗ MDF cũng hiện diện khắp mọi phòng chức năng trong nhà ở, nhất là tại các căn hộ chung cư hiện đại. Loại gỗ công nghiệp này được sử dụng để sản xuất nội thất phổ biến như giường ngủ, bàn ghế, tủ quần áo, vách ngăn...

Giường 

Các mẫu giường làm từ gỗ MDF đa dạng về màu sắc, kiểu dáng và phù hợp với nhiều phong cách thiết kế khác nhau, từ truyền thống đến hiện đại, tối giản. Giường gỗ công nghiệp mang lại cho không gian phòng ngủ vẻ đẹp tinh tế, thanh lịch. Giá thành sản phẩm phải chăng hơn nhiều so với giường gỗ tự nhiên. 

 Trong phòng ngủ này, hầu hết đồ nội thất từ giường, tủ quần áo tới giá kệ lưu trữ đều được làm bằng gỗ công nghiệp MDF sang trọng, hiện đại.

Tủ quần áo

Đây là món nội thất thiết yếu đối với mỗi gia đình. Tủ quần áo thường được làm bằng chất liệu gỗ. Để tiết kiệm chi phí, nhiều người chọn mua tủ gỗ công nghiệp. Hiện nay, tủ gỗ MDF rất được ưa chuộng bởi giá thành rẻ, phù hợp với khả năng chi trả của phần lớn người tiêu dùng; chất lượng và độ bền tương đương gỗ tự nhiên. Thậm chí, tủ gỗ công nghiệp còn được trang bị thêm những tính năng ưu việt như chống cong vênh, co ngót, mối mọt...

Tủ bếp

Tủ bếp là một trong những ứng dụng phổ biến của gỗ công nghiệp MDF. Với không gian phòng bếp - nơi thường xuyên tiếp xúc với nước, những ưu điểm vượt trội của gỗ như chịu nhiệt, chịu ẩm mốc, có khả năng kháng mối mọt, cong vênh... càng phát huy tác dụng. Để đảm bảo độ bền đẹp cho sản phẩm, cần hạn chế tối đa tiếp xúc trực tiếp với nước vì đây là yếu điểm của gỗ MDF.

 Những ưu điểm nổi trội của chất liệu gỗ MDF càng được phát huy tối đa khi sử dụng trong phòng bếp, phòng ăn gia đình.

Vách ngăn phân chia không gian

Vách ngăn là chi tiết vô cùng hữu ích và quan trọng đối với những không gian nhỏ hẹp. Ngoài vách ngăn kim loại, vách kính cường lực, nhiều gia đinh hiện nay chuộng sử dụng vách ngăn gỗ công nghiệp để phân tách các khu vực chức năng. Gỗ MDF dễ gia công hơn gỗ tự nhiên nên có thể mang đến cho người dùng sản phẩm với màu sắc bắt mắt, kiểu dáng hiện đại, độc đáo.

Tủ kệ tivi

Được làm bằng gỗ công nghiệp MDF, tủ kệ tivi đa dạng về màu sắc và kiểu dáng. Từ đó, tạo điểm nhấn trang trí hút mắt cho không gian phòng khách, phòng ăn và thậm chí là cả phòng ngủ.

Sàn gỗ MDF

Loại vật liệu lát sàn này sở hữu nhiều ưu điểm như màu sắc đa dạng, dễ bám sơn, vecni, thi công nhanh và giá thành phải chăng. Gỗ MDF được sử dụng để lát sàn, ốp lát bậc cầu thang. Nhược điểm lớn nhất của sàn gỗ công nghiệp là khả năng chịu nước kém nên chỉ phù hợp với không gian nội thất, những nơi ít tiếp xúc với nước.

Nên sử dụng sàn tre thay sàn gỗ công nghiệp khi lát nhà hay không?

Một số lưu ý khi lựa chọn sàn gỗ công nghiệp

Cửa gỗ MDF

Cửa gỗ công nghiệp MDF được xem là lựa chọn hàng đầu hiện nay bởi những ưu điểm nổi trội như vận hành êm ái, ít bị cong vênh, mối mọt, chống ẩm tốt và giá thành rẻ hơn so với cửa gỗ tự nhiên. Tuổi thọ của cửa gỗ công nghiệp cũng khá cao, từ 10-40 năm tùy từng dòng cửa cũng như cách bạn sử dụng, bảo trì.

 Sử dụng cửa gỗ MDF sẽ giúp hạn chế tình trạng cong vênh, co ngót hay mối mọt.

Chọn gỗ MDF trong thiết kế nội thất nhà ở cần lưu ý gì?

Các sản phẩm nội thất làm từ gỗ công nghiệp MDF hiện rất đa dạng về mẫu mã, màu sắc nhằm đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng. Để chọn được món đồ bền đẹp, phù hợp với không gian sống nhà mình, bạn nên lưu ý một số vấn đề sau đây:

Nắm rõ ưu, nhược điểm của gỗ công nghiệp

Gỗ công nghiệp hiện nay có khá nhiều loại như MFC, HDF, MDF, gỗ Acrylic... Tất cả các loại gỗ này đều được sử dụng để làm sàn nhà, tủ quần áo, bàn ghế, giường, kệ. Do đó, trước hết bạn cần xác định rõ loại gỗ mình muốn sử dụng. Chẳng hạn, nếu muốn sử dụng nội thất gỗ MDF, bạn cần tìm hiểu kỹ những ưu nhược điểm của vật liệu này.

Lưu ý độ dày của gỗ MDF

Gỗ công nghiệp được sản xuất với nhiều độ dày khác nhau, phổ biến là 3mm, 4mm, 5mm, 6mm, 8mm, 9mm, 12mm,15mm, 17mm, 18mm, 20mm, 25mm. Người thiết kế sẽ căn cứ vào mục đích sử dụng của sản phẩm chế tạo để chọn tấm gỗ có độ dày phu ợp. Ván gỗ có độ dày càng lớn thì độ bền càng cao, tăng cường khả năng chịu lực. Ví dụ, sàn gỗ công nghiệp thường được thiết kế với hai loại độ dày là 8mm và 12mm. Kinh nghiệm cho thấy, bạn nên chọn loại 12mm dày dặn hơn, chắc chắn hơn.

Họa tiết, màu sắc và bề mặt vân gỗ phù hợp

Màu sắc vân gỗ công nghiệp nên được lựa chọn phù hợp với sản phẩm nội thất, không gian chức năng cụ thể cũng như kích thước của căn phòng. Chẳng hạn, với phòng ngủ, bạn nên chọn sàn gỗ, giường gỗ hoặc tủ quần áo có họa tiết vân gỗ đơn giản, màu sắc trung tính nhẹ nhàng để tạo cảm giác thư giãn, dễ chịu nhất cho người dùng. Sàn gỗ công nghiệp tông màu quá đậm, đường vân dày có thể sẽ khiến căn phòng nhỏ càng thêm bí bức, chật chội.

Bạn cũng nên tránh chọn nội thất gỗ MDF màu sắc quá tương phản với phông nền tổng thể vì rất dễ phản tác dụng, ảnh hưởng tới tính thẩm mỹ chung của căn phòng. Thay vì thế, nên chọn màu sắc tương đồng hoặc tương phản vừa phải với các đồ nội thất khác trong phòng.

Riêng với vật liệu lát sàn, các chuyên gia nội thất khuyên rằng, bạn không nên dùng loại gỗ MDF có bề mặt trơn bóng bởi có thể sẽ gây chói mắt và dễ trơn trượt cho người dùng. Đặc biệt, những gia đình có người già, trẻ nhỏ tuyệt đối tránh xa loại sàn gỗ công nghiệp trơn bóng này. 

Khi chọn sàn gỗ nên đảm bảo bề mặt gỗ được xử lý sơn phủ chống trầy xước. Các mẫu sàn gỗ công nghiệp có bề mặt gần giống gỗ tự nhiên hiện rất được ưa chuộng. Với bề mặt sần nhàm vừa phải sẽ giúp hạn chế trơn trượt, đồng thời tạo cảm giác ấm áp, thư giãn cho gan bàn chân.

Trên đây là những thông tin cơ bản nhất liên quan tới gỗ MDF trong thiết kế nội thất nhà ở. Tùy vào điều kiện cụ thể về tài chính, phong cách thiết kế, bạn sẽ chọn được những món nội thất phù hợp nhất làm từ chất liệu này.

 

>> Xem thêm:

- Theo Dothi.net -