Kính cường lực không còn là vật liệu xa lạ đối với chúng ta và nó đang dần thay thế cho gạch, đá, gỗ trong thiết kế kiến trúc nhà ở. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu cặn kẽ về bản chất của loại kính này cũng như cách lựa chọn, ứng dụng chuẩn xác vật liệu vào thiết kế kiến trúc nhà ở.
Bài viết dưới đây mang đến cho bạn đọc những hiểu biết cơ bản nhất về ưu, nhược điểm của kính cường lực; các loại kính cường lực phổ biến và tiêu chí lựa chọn, ứng dụng phù hợp nhất cho từng hạng mục công trình nhà ở.
Kính cường lực là gì?
Kính cường lực là loại kính an toàn, bản chất là kính thông thường nhưng được "tôi nhiệt" (gia nhiệt) ở ngưỡng rất cao, khoảng 700 độ C, sau đó sẽ được làm nguội nhanh bằng khí mát. Quá trình nung nóng - làm nguội được lập trình tùy theo chủng loại kính, màu sắc, độ dày... Việc tôi nhiệt này nhằm mục đích tạo sức căng cho bề mặt kính, tăng khả năng chịu lực, chịu va đập mạnh và chịu nhiệt tốt hơn.
Độ cứng của kính là sự khác biệt rõ ràng nhất giữa kính thông thường và kính cường lực. Cụ thể, dưới tác dụng của một lực đủ lớn vào hai tấm kính cùng kích thước, độ dày thì kính thường bị vỡ còn kính cường lực không vỡ. Mặt khác, kính thường khi vỡ sẽ sắc nhọn và gây nguy hiểm, trong khi đó kính cường lực vỡ sẽ vụn như hạt ngô giúp hạn chế tối đa tính sát thương.
Hiện nay, kính cường lực được xem là vật liệu không thể thiếu trong các công trình kiến trúc từ nhà ở dân dụng cho tới chung cư, cao ốc văn phòng hiện đại. Với những ưu điểm vượt trội, loại kính này được sử dụng cho nhiều hạng mục như cửa kính, tường kính, vách ngăn, lan can ban công, cầu thang...
Ưu, nhược điểm của kính cường lực
Tương tự như các loại vật liệu khác, kính cường lực cũng có những ưu, nhược điểm nhất định. Để sử dụng đúng cách, mang lại hiệu quả tốt nhất cả về công năng lẫn tính thẩm mỹ, người dùng cần hiểu rõ bản chất, nắm được ưu điểm, nhược điểm của loại kính này.
Kính cường lực có ưu điểm gì?
Với những ưu điểm vượt trội dưới đây, kính cường lực ngày càng được ưa chuộng và ứng dụng rộng rãi trong thiết kế kiến trúc nhà ở:
Độ an toàn là yếu tố khiến người tiêu dùng băn khoăn, thậm chí là e ngại khi lựa chọn vật liệu kính cho tường, cửa, lan can cầu thang... Điều này hoàn toàn dễ hiểu bởi khi nhắc tới kính, người ta thường liên tưởng tới sự mong manh dễ vỡ như thủy tinh. Tuy nhiên, với kính cường lực - loại kính được tôi nhiệt và làm nguội theo tiêu chuẩn thì bạn hoàn toàn có thể yên tâm về độ bền, độ cứng của nó. Một thử nghiệm thực tế cho thấy, kính cường lực có độ dày từ 12-19mm gần như không bị vỡ khi dùng chày đập mạnh vào bề mặt kính.
Trong trường hợp phải chịu một lực quá mạnh từ bên ngoài, kính cường lực có thể bị vỡ nhưng sẽ vỡ theo hình dạng hạt tròn (kiểu hạt ngô) chứ không tạo thành các mảnh sắc nhọn như kính thông thường. Đặc tính này giúp hạn chế tối đa khả năng sát thương khi bị vỡ của kính cường lực.
Cửa kính cường lực mang đến tầm nhìn lý tưởng, tạo cảm giác rộng rãi hơn cho phòng ngủ.
- Chịu lực tốt, độ bền cao là ưu điểm nổi bật của kính cường lực
Được tôi luyện ở nhiệt độ cao tới khoảng 700 độ C, sau đó được làm lạnh nhanh nên kính cường lực có khả năng chịu lực tốt gấp 4-5 lần so với kính thông thường và không bị biến dạng ở nhiệt độ 300 độ C. Thế nên, vật liệu không chỉ đảm bảo an toàn mà còn tạo ra được kết cấu bền vững cho ngôi nhà. Bạn không cần phải sửa chữa hay thay thế kính quá nhiều khi sử dụng. Với đặc tính này, kính cường lực thường được ưu tiên sử dụng trong các tòa nhà cao tầng hiện nay.
- Cách âm, cách nhiệt hiệu quả
Tính cách nhiệt của kính cường lực luôn được đánh giá cao bởi nó chịu được sự chênh lệch nhiệt độ giữa hai môi trường rất tốt. Vật liệu này có khả năng giảm thiểu tối đa sự hấp thu nhiệt nên bạn có thể an tâm mở điều hòa mà không phải lo ngại môi trường bên ngoài ảnh hưởng tới nhiệt độ trong phòng.
So với các vật liệu thông thường khác, kính cường lực có khả năng cách âm gấp 7-8 lần. Do đó, nếu đang ở khu vực đông dân cư, gần đường lớn tấp nập xe cộ qua lại, bạn nên sử dụng cửa kính cường lực để tạo ra không gian sống yên tĩnh, dễ chịu. Với khả năng cách âm cực tốt, khi đóng cửa lại, mọi âm thanh bên ngoài sẽ không ảnh hưởng tới bạn.
Qua quá trình xử lý nhiệt, bề mặt kính căng bóng hơn đem lại tính thẩm mỹ cao. Trong khi đó, tính thẩm mỹ của công trình kiến trúc ngày càng được coi trọng không kém gì chất lượng công trình. Do đó, thay vì lựa chọn gỗ hoặc các chất liệu khác cho thiết kế nội - ngoại thất, hãy chọn kính cường lực để không gian nhà trở nên sang trọng, tinh tế hơn.
Chưa kể, chất liệu kính trong suốt còn tạo cảm giác rộng rãi hơn cho ngôi nhà, đặc biệt là với những căn hộ/nhà phố nhỏ chật. Hơn nữa, tường kính/cửa kính còn có tác dụng đón sáng tự nhiên tối đa, cho phép ánh sáng chiếu xuyên qua các không gian phòng, giúp gia chủ tiết kiệm chi phí cho năng lượng điện thắp sáng.
Tường kính cường lực đã và đang là xu hướng thiết kế được ưa chuộng.
- Nhược điểm của kính cường lực
Bên cạnh những ưu điểm nêu trên, kính cường lực cũng có những nhược điểm nhất định mà bạn cần lưu ý:
» Dễ gây hiệu ứng nhà kính, hiệu ứng thừa sáng nếu quá lạm dụng kính cường lực trong thiết kế nhà ở. Điều này ảnh hưởng tới sức khỏe cũng như tâm lý của người sống trong nhà.
» Kính cường lực có nguy cơ vỡ nổ nhưng tỷ lệ này rất thấp.
» Kính cường lực sẽ nhanh bẩn nếu không được vệ sinh thường xuyên.
» Giá kính cường lực tương đối cao hơn so với những loại kính thông thường khác.
» Kính cường lực không thể tái gia công như kính thông thường. Nếu đã định hình và tôi nhiệt thì kính sẽ giữ nguyên hình dạng đó, không thể cắt nhỏ hay thay đổi kích thước được nữa.
Có mấy loại kính cường lực?
Về cơ bản, có hai loại kính cường lực là kính cường lực hoàn toàn và kính bán cường lực.
Loại kính này được sản xuất theo quy trình hiện đại, gia nhiệt từ 650-700 độ C, sau đó làm lạnh nhanh bằng khí mát. Độ cứng của kính gấp 4-5 lần so với các loại kính thông thường, có khả năng chống va đập, chịu lực mạnh. Kính chịu sốc nhiệt rất tốt với sự chênh lệch nhiệt độ lên tới gần 200 độ C (kính thường chỉ chịu được từ 40-50 độ C). Khi kính bị vỡ sẽ vỡ vụn tạo thành các mảnh nhỏ không sắc nhọn, đảm bảo an toàn cho người dùng.
Quy trình sản xuất kính bán cường lực giống với kính cường lực hoàn toàn. Thế nhưng, phần gia nhiệt và làm lạnh được làm theo phương thức riêng. Độ cứng cũng như độ chịu lực của kính bán cường lực chỉ bằng 1/2 kính cường lực hoàn toàn, tức gấp 2-3 lần so với kính thông thường. Khi bị vỡ, kính sẽ nứt theo đường lượn sóng từ tâm chịu lực tác động tới khung kính, không gây nguy hiểm như kính thông thường.
Ngoài ra, kính cường lực còn được phân chia theo các tiêu chí sau:
» Kính cường lực 3mm
» Kính cường lực 5mm
» Kính cường lực 6mm
» Kính cường lực 8mm
» Kính cường lực 10mm
» Kính cường lực 12mm
» Kính cường lực 15mm
» Kính cường lực 19mm
» Dùng làm vách ngăn, vách dựng, tường kính
» Dùng làm bề mặt dựng bảo vệ, gia tăng thẩm mỹ
» Dùng làm cửa kéo hoặc cửa thủy lực
» Dùng làm cabin trong các phòng tắm
» Dùng để trang trí, làm đẹp nhà trong việc ốp kính
» Dùng làm lan can cầu thang, ban công
» Dùng làm đồ nội thất như tủ kính, bàn kính...
Kính cường lực bản chất không có màu. Tuy nhiên, khi kết hợp với sơn kính hoặc phim PVB có thể tạo ra rất nhiều màu sắc bắt mắt cho người dùng thỏa sức lựa chọn theo sở thích, độ tuổi, bản mệnh... Theo đó, kính cường lực khi phun sơn có màu đen, đỏ, xanh... và màu trắng sữa - màu của phim PVB (một lớp màng mỏng với độ dày tối thiểu là 0,38mm. Phim PVB có nhiệm vụ gắn 2 hoặc nhiều lớp kính lại với nhau để tăng độ dày và tính an toàn cho tấm kính).
Kinh nghiệm chọn kính cường lực cho từng hạng mục công trình
Việc chọn được loại kính cường lực phù hợp với từng hạng mục công trình nhà ở không chỉ giúp đạt được hiệu quả sử dụng tốt nhất mà còn đảm bảo về mặt thẩm mỹ và an toàn khi sử dụng. Do đó, khi lựa chọn vật liệu hoàn thiện này, bạn nên lưu ý một số vấn đề sau đây:
- Chọn kính cường lực cho mặt tiền nhà
Khu vực này cần khả năng chịu lực lớn cùng độ an toàn cao nên cần chọn loại kính cường lực 2 lớp được dán với nhau bằng phim PVB nói trên. Đây là loại kính có thể chịu được lực va đập mạnh và sức gió từ bên ngoài, hạn chế tối đa tình trạng rạn nứt hoặc vỡ kính khi gió bão lớn.
Ngoại thất ngôi nhà toát lên vẻ sang trọng, hiện đại khi sử dụng kính cường lực cho mặt tiền.
Chọn kính cường lực cho lan can ban công, cầu thang
Kính cường lực dày 10mm là lựa chọn phù hợp đối với lan can cầu thang, ban công. Riêng với cầu thang kính cường lực, bạn nên dùng loại có độ dày 12mm để tăng khả năng chịu lực cũng như tạo cảm giác vững chắc, an toàn cho người dùng. Lưu ý, không nên chọn kính quá cao cho lan can ban công vì có thể che tầm nhìn, cản nắng gió tự nhiên vào nhà. Chiều cao hợp lý là ngang bụng, tầm 1,2m. Chiều cao này đảm bảo an toàn cho bạn khi dựa vào kính và an toàn cho trẻ khi chơi đùa.
Lan can cầu thang bằng kính cường lực tạo độ thoáng cho không gian và đảm bảo an toàn.
Chọn kính cường lực cho sàn nhà, bục kính
Hiện nay, kính cường lực còn được sử dụng để làm sàn nhà, bục kính nhằm tạo điểm nhấn ấn tượng cho không gian nội thất. Với sàn có diện tích nhỏ, gia chủ nên dùng loại kính dày 12mm, khu vực rộng hơn thì dùng loại 19mm giúp tăng khả năng chịu lực cũng như đảm bảo độ an toàn tuyệt đối.
Sàn kính cường lực thường có độ dày từ 12mm hoặc 19mm tùy diện tích.
Chọn kính cường lực cho phòng tắm
Đối với phòng tắm, đặc biệt là căn phòng có diện tích khiêm tốn, vách tắm kính góp phần giúp không gian trở nên thoáng sáng, rộng rãi, hiện đại hơn về mặt thị giác. Kính cường lực làm vách tắm thường dùng loại có độ dày 8mm. Nếu khổ rộng thì chọn 10mm nhằm tạo cảm giác thanh thoát cho công trình. Bên cạnh đó, giá kệ lưu trữ trong phòng tắm bằng kính cường lực cũng nên dùng loại 8mm để đảm bảo chắc chắn khi bạn đặt các vật dụng lên.
Vách kính cường lực phân tách giữa buồng tắm vòi sen và khu vực vệ sinh.
Chọn kính cường lực cho cao ốc
Các tòa chung cư cao tầng thường sử dụng nhiều loại kính cường lực kết hợp. Phổ biến nhất là cửa kính cường lực 12mm, vách kính ngăn phòng với độ dày 10mm. Trong khi đó, các ô cửa trang trí có thể dùng loại kính dày 8mm để tạo cảm giác nhẹ nhàng, thanh thoát mà vẫn rất sang trọng, hút mắt.
Kính cường lực được ứng dụng phổ biến trong thiết kế các tòa chung cư cao tầng.
Kính cường lực trang trí nội thất
Trong kiến trúc nhà ở hiện đại, kính trang trí và tranh kính cường lực được nhiều gia chủ ưa chuộng. Các loại tranh kính mài, tranh kính ghép, kính điêu khắc 2D, 3D... được dùng để treo tường hoặc trưng bày như một tác phẩm nghệ thuật giàu tính thẩm mỹ. Không gian sống vì thế trở nên ấn tượng, cuốn hút hơn.
Một số lưu ý khi sử dụng kính cường lực
Để đảm bảo an toàn, bền đẹp khi sử dụng kính cường lực, bạn nên lưu ý một số vấn đề sau đây:
Thứ nhất, bạn phải xác định dùng kính cường lực vào mục đích gì, ở hạng mục nào vì với mỗi hạng mục khác nhau thì độ dày của kính cũng khác nhau để đảm bảo mang lại hiệu quả tốt nhất.
Thứ hai, nên sử dụng kính cường lực có lớp lót dẻo cho mọi khu vực chức năng trong nhà ở. Loại kính này kết hợp 2 hoặc nhiều tấm kính gắn kết với nhau bằng lớp phim dẻo, có độ bền và bám dính rất tốt. Theo đó, khi kính bị vỡ, vụn kính sẽ bám vào lớp phim này, đỡ bắn tung tóe, giảm thiểu nguy cơ sát thương.
Thứ ba, đảm bảo độ dày kính từ 8mm trở lên, tùy vị trí lắp đặt. Nên hạn chế sử dụng kính 5mm bởi chúng rất dễ vỡ. Với những khu vực cố định cần kính khổ lớn, hãy chọn loại 10mm. Riêng với những cánh cửa thường xuyên đóng mở, bạn nên ưu tiên sử dụng loại kính cường lực có độ dày 8mm để thao tác dễ dàng, thuận tiện hơn.
Thứ tư, lắp bản lề, tay nắm chuẩn xác và đảm bảo khe thoáng quanh kính. Để kín khít, đẹp mắt hơn, thợ thi công thường gắn chặt bốn phía của tấm kính. Tuy nhiên, dưới tác động của điều kiện thời tiết, ngoại cảnh, nhiệt độ, kính bị o ép dẫn tới hiện tượng rạn nứt, thậm chí là nổ do giãn nở.
Điểm yếu nhất của kính là các viền xung quanh, nhất là các góc. Búa đập mặt kính không vỡ nhưng đập vào cạnh thì ngược lại. Do đó, nếu lắp đặt các phụ kiện không chuẩn xác, bị lệch lạc, cánh cửa bị xệ xuống, va đập có thể gây rạn vỡ kính. Đồng thời, nên kiểm tra, bôi trơn, nâng bản lề cửa kính cường lực định kỳ, tránh để kính bị vênh, chạm xuống sàn nhà hoặc tường sẽ rất nguy hiểm.
Thứ năm, hạn chế tối đa việc sử dụng kính cường lực ở những vị trí trên cao như mái che giếng trời. Bởi lẽ, dù là loại kính nào, chất lượng ra sao thì cũng đều có tuổi thọ nhất định. Chưa kể, những tác động bên ngoài như thời tiết, nhiệt độ, kỹ thuật lắp đặt... sẽ ảnh hưởng tới độ bền của kính. Khi kính bị vỡ, các mẩu vụn rơi trực tiếp xuống tầng dưới gây nguy hiểm cho các thành viên gia đình.
Thay vì sử dụng kính cường lực làm mái che giếng trời, gia chủ có thể sử dụng loại tấm lợp lấy sáng polycarbonate với độ trong suốt tương đương kính nhưng có thể uốn cong, bền và nhẹ hơn. Khả năng chống chịu va đập của tấm lợp này cũng rất tốt. Lưu ý, bạn nên chọn loại được bảo hành chống ngả màu để ánh sáng chiếu xuyên tốt nhất trong nhiều năm.
Thứ sáu, nên chọn đơn vị sản xuất, thi công lắp kính chuyên nghiệp. Trong quá trình lắp đặt, bạn nên có sự giám sát kiểm tra và đảm bảo lắp đúng kỹ thuật để đảm bảo an toàn tuyệt đối.
Như vậy, với những thông tin mà Gia Việt chia sẻ trên đây, bạn đọc sẽ có được cái nhìn toàn diện hơn về kính cường lực trong thiết kế kiến trúc nhà ở, tránh được tình trạng "tiền mất tật mang" khi chọn vật liệu này.
>> Thiết kế nội thất wabi-sabi ấn tượng trong căn hộ hiện đại
- Theo Tạp chí Thanh Niên -