0
Chưa có sản phẩm nào trong giỏ hàng

Sơn chống nóng (sơn cách nhiệt) là một trong những loại sơn được tìm kiếm nhiều nhất tại Việt Nam những năm gần đây, đặc biệt là trong bối cảnh biến đổi khí hậu, nóng lên toàn cầu. Loại sơn này được quảng cáo có thể giúp giảm tới hàng chục độ C.

Liệu tác dụng của sơn chống nóng có hiệu quả đúng như tên gọi? Lựa chọn và sử dụng sơn như thế nào? Để góp phần giải đáp những thắc mắc đó, bài viết dưới đây cung cấp cho bạn đọc những hiểu biết cơ bản nhất về sơn chống nóng.

Hiện tượng ấm lên toàn cầu khiến nhiệt độ thời tiết ngày càng tăng cao, nhất là vào mùa hè. Để làm mát nhà, hầu hết mọi người đều sử dụng quạt, lắp điều hòa... Thế nhưng, giải pháp này đôi khi không mấy hiệu quả bởi nhiệt độ càng cao khiến máy móc làm việc quá công suất sẽ dẫn tới hư hỏng, tốn kém chi phí bảo trì, thậm chí là thay mới. Vậy có giải pháp bền vững hơn?

Cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ cũng như nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng, các hãng sơn trên thị trường đều chạy đua cải tiến sản phẩm của mình sao cho ưu việt hơn. Các thương hiệu luôn luôn chú trọng tới khả năng chống nóng của sơn. Theo đó, sơn chống nóng ra đời và ngày càng trở nên thịnh hành.


Ngoài chức năng chính, lớp sơn chống nóng còn mang lại hiệu quả thẩm mỹ cao.

Sơn chống nóng là gì?

Sơn chống nóng hay còn được gọi là sơn cách nhiệt. Trong thành phần của sơn chứa các chất tạo màng có khả năng cách nhiệt và phản xạ lại ánh sáng trực tiếp từ mặt trời. Do đó, loại sơn này thường được sơn trên các bề mặt tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời như mái tôn, sân thượng, tường ngoại thất... giúp giảm nhiệt độ, làm mát nhà. Sơn cách nhiệt không phân lớp, có thể phun trực tiếp lên bề mặt của mái tôn, sàn mái hoặc tường ngoại thất.

Việt Nam có khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa với mùa hè nắng nóng gay gắt. Thế nên, ngoài quạt, điều hòa không khí, việc sử dụng sơn chống nóng cho ngoại thất nhà ở là điều vô cùng cần thiết, giúp cách nhiệt, giảm hấp thụ nhiệt từ môi trường bên ngoài một cách tối đa nhất có thể.

Ưu điểm vượt trội của sơn chống nóng

Hiện nay, sơn chống nóng được rất nhiều gia đình tin dùng bởi nhiều ưu điểm vượt trội mà nó mang lại trong việc cách nhiệt, giảm nhiệt cho ngôi nhà vào mùa hè nắng gắt. 

  • Chống nóng hiệu quả

Sơn chống nóng có khả năng làm giảm nhiệt độ bề mặt và bên trong ngôi nhà khoảng từ 10-26 độ C nếu sử dụng 2 lớp sơn cùng lúc. Đồng thời, đây cũng là loại sơn giúp rút ngắn thời gian thoát nhiệt của công trình ngay khi trời hết nắng. Nhờ đó, các thành viên gia đình sẽ cảm thấy thoải mái, dễ chịu hơn trong sinh hoạt hàng ngày.

Tuy nhiên, tùy thuộc vào cấu trúc của ngôi nhà mà bạn cảm nhận được hiệu quả chống nóng khác nhau. Với những căn nhà có mái thấp, bạn sẽ cảm nhận được hiệu quả rõ ràng hơn.


Sử dụng sơn chống nóng chất lượng giúp ngôi nhà mùa hè thoáng mát hơn và tiết kiệm được chi phí cho năng lượng điện làm mát.

  • Tăng tuổi thọ công trình

Sơn cách nhiệt có khả năng làm giảm tác động của ánh nắng mặt trời lên bề mặt ngoại thất nên bề mặt này sẽ bền đẹp hơn. Sơn được sử dụng trên bề mặt các loại vật liệu khác nhau từ ngói, bê tông đến kim loại, chống được gỉ sét, kháng nước hoặc hóa chất cao, chống thấm hiệu quả, chống rêu mốc, bám bẩn, bảo vệ công trình khỏi tác động của thời tiết và môi trường... từ đó giúp tăng tuổi thọ của công trình.

  • Tiết kiệm điện năng 

Với tính năng giảm nhiệt hiệu quả nêu trên, sơn chống nóng còn giúp gia chủ tiết kiệm chi phí cho điện năng tiêu thụ vào việc làm mát nhà thông qua các thiết bị như quạt, máy điều hòa nhiệt độ. Như vậy, loại sơn này mang lại hiệu quả kinh tế lâu dài, giúp tiết kiệm năng lượng, giảm chi phí sản xuất.

  • Thi công nhanh chóng

Thực tế cho thấy, việc thi công sơn chống nóng cho nhà ở rất tiện lợi, dễ dàng và nhanh chóng. Thậm chí, nếu diện tích nhỏ thì chủ nhà hoàn toàn có thể tự làm được. Bạn chỉ cần mua sơn rồi dùng cọ hoặc con lăn phủ 1-2 lớp lên bề mặt mái tôn, tường, sân thượng... Đơn giản hơn, bạn hãy phun sơn trực tiếp lên bề mặt cần chống nóng là được. Lưu ý, trước khi sơn, cần vệ sinh sạch sẽ bề mặt để đạt hiệu quả chống nóng cao nhất.

  • Thân thiện và an toàn

Hầu hết các loại sơn chống nóng hiện nay đều thuộc hệ nước, không chứa dung môi và chất độc hại. Sơn cách nhiệt cũng không chứa thủy ngân, không chứa chì, không cháy, đảm bảo an toàn cho cả người thi công lẫn người sử dụng.

Ngoài ra, việc đáp ứng nhu cầu sử dụng đa dạng cũng là điểm cộng của sơn chống nóng. Bạn có thể sử dụng loại sơn này cho những bề mặt thường xuyên chịu tác động trực tiếp của ánh nắng mặt trời như tôn (mái hoặc vách đứng), tường (vữa, bê tông), vách bê tông, xi măng. 

Có mấy loại sơn chống nóng?

Thị trường hiện có rất nhiều loại sơn chống nóng cho bạn thỏa sức lựa chọn. Tuy nhiên, để chọn được loại sơn phù hợp, bạn nên căn cứ vào nhu cầu sử dụng và vị trí muốn chống nóng. 

  • Sơn chống nóng cho phần mái lợp

Mái nhà là nơi chịu ánh nắng trực tiếp nhiều nhất nên luôn được ưu tiên sử dụng các giai pháp cách nhiệt, giảm nhiệt, trong đó có sơn chống nóng. Sơn chống nóng cho phần mái lợp được sử dụng phổ biến nhất hiện nay với ưu điểm nổi bật là giá thành phải chăng, không mất chi phí bảo trì. Sơn chống nóng mái tôn có thể giúp giảm được khoảng 10-20 độ C tùy thuộc chất liệu mái tôn cũng như loại sơn mà bạn sử dụng. Sơn cách nhiệt còn có khả năng giảm tiếng ồn từ mái tôn khi trời mưa.

  • Sơn chống nóng cho tường

Sau phần mái thì tường là vị trí thứ hai cần được ưu tiên sơn chống nóng. Thị trường hiện có nhiều loại sơn chống nóng cho tường để bạn chọn. Trong sơn có những hạt bức xạ nhiệt, bức xạ tia hồng ngoại. Các hạt này phủ lên bề mặt tường nhà gây ra hiện tượng bức xạ ngược với tia hồng ngoại, tạo ra bức xạ nhiệt, giúp giảm tối đa khả năng hấp thụ nhiệt. Chi phí cách nhiệt cho tường tốn kém hơn so với phần mái vì trước khi thi công sơn chống nóng phải sơn thêm một lớp chống thấm.


Tường ngoại thất tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời nên cần được sơn chống nóng.

  • Sơn chống nóng cho sàn mái

Sàn mái là khu vực tiếp nhận trực tiếp ánh nắng mặt trời nên cũng cần được thi công sơn chống nóng. Sơn ngoại thất chống nóng sàn mái chịu được ẩm ướt nhờ có tính kỵ nước; bám dính tốt trên mọi bề mặt vật liệu gạch, xi măng, bê tông; ngăn cản truyền nhiệt và phản xạ ánh sáng để chống nóng cho sàn mái.


Việc thi công sơn chống nóng dễ dàng và nhanh chóng.

  • Sơn chống nóng dùng trộn trong vữa xi măng

Đây là loại sơn chống nóng dùng để trộn trong vữa xi măng. Phụ gia dạng lỏng này có tác dụng làm tăng độ linh động và biến dẻo của hồ vữa, ngăn ngừa sự rạn nứt, tăng khả năng chống thấm, chống nóng của vật liệu. So với 3 loại sơn chống nóng nêu trên thì loại này có giá rẻ hơn song hiệu quả không cao hay rõ ràng.

Phần lớn các loại sơn chống nóng hiện nay đều có hai dạng đặc trưng là dạng gốc dầu và dạng gốc nước. Trong đó, sơn chống nóng dạng gốc nước được sử dụng rộng rãi hơn bởi hiệu quả cao, thi công dễ dàng, nhanh chóng. Tùy vào nhu cầu sử dụng và điều kiện kinh tế của mỗi gia đình để lựa chọn sơn chống nóng đảm bảo chất lượng với giá thành phải chăng.

Thị trường hiện có 3 thương hiệu sơn chống nóng thông dụng nhất là sơn Kova, sơn InsuMax và sơn Intek. Ngoài ra còn có sơn chống nóng Nippon, TOA NanoShield, Shield Kote... Để lựa chọn được loại sơn chống nóng chất lượng, trước khi mua bạn cần tìm hiểu thật kỹ, tham khảo đánh giá mức độ hiệu quả từ những người đã mua, đã dùng trước đó.

Những lưu ý khi chọn mua và sử dụng sơn chống nóng để đạt hiệu quả cao nhất

Để sử dụng sơn chống nóng hiệu quả, bạn cần chọn được loại sơn phù hợp với điều kiện cụ thể của công trình và thi công đúng cách. Hiện có khá nhiều loại sơn có tác dụng chống nóng đến từ các thương hiệu khác nhau. Vì vậy, để không ảnh hưởng tới chất lượng của công trình, người tiêu dùng nên lưu ý một số vấn đề sau đây:

Kinh nghiệm chọn mua sơn chống nóng

Thứ nhất, cần chú tới hiệu quả giảm nhiệt bởi đây là tính năng quan trọng nhất. Theo các chuyên gia, mỗi sản phẩm sơn chống nóng đều có thế mạnh riêng. Để lựa chọn sản phẩm tốt, trước hết cần căn cứ vào chứng chỉ của đơn vị độc lập. Hãy tìm hiểu xem sản phẩm đó có được các đơn vị độc lập uy tín cấp chứng chỉ xanh hay không.

 Người dùng cũng cần tìm hiểu xem sản phẩm được xác nhận giúp giảm bao nhiêu độ C. Nhiều sản phẩm trên thị trường chỉ được giới thiệu chung chung là giúp giảm từ 10-20 độ C nhưng không nói cụ thể là nhiệt độ đo trên bề mặt hay nhiệt độ đo trong phòng. Hai thống số này là khác nhau. Nhiệt độ trên bề mặt và không khí trong phòng phải từ 8-10 độ C mới đạt yêu cầu.

Thứ hai, cần chú ý đến tuổi thọ của sơn chống nóng. Kinh nghiệm cho thấy, những sản phẩm có tuổi thọ từ 3-5 năm thường không đạt yêu cầu và tốn kém trong bảo trì, thay thế. Tốt nhất, bạn nên chọn loại sơn có tuổi thọ trên 10 năm và thời gian bảo hành phải từ 3-5 năm.

Thứ ba, nên chú ý tới chi phí sử dụng trên diện tích chứ không phải giá của các loại sơn. Nhiều loại giá cao nhưng chi phí sử dụng trên diện tích lại rẻ hơn so với các loại sơn có giá thành thấp hơn. Ví dụ, sản phẩm giá rẻ nhưng độ dày hơn 1mm và sản phẩm giá đắt trong khi độ dày 0,5mm thì mức giá khác nhau hoàn toàn. Do đó, khi mua sơn chống nóng, người tiêu dùng nên hỏi giá cho 1m2 và giảm cho 1 nhiệt độ trong không khí là bao nhiêu.

Thứ tư, cần lưu ý tới tính tiện lợi, dễ thi công của sơn chống nóng. Bởi lẽ, nếu việc thi công khó khăn có thể khiến bạn tốn thêm thời gian hoặc chi phí phụ rất nhiều.

Thứ năm, chọn màu sơn phù hợp. Việc chọn màu sơn nhà là một trong những yếu tố vô cùng quan trọng. Có người chọn theo sở thích, có người chọn màu hợp phong thủy... Chọn màu sơn chống nóng cũng vậy. Dù chọn theo sở thích hay phong thủy thì vẫn phải đảm bảo sự hài hòa về mặt tổng thể, mang lại tính thẩm mỹ cao cho công trình.

Bạn có thể chọn sơn chống nóng màu trắng hoặc những tông màu sáng như kem, vàng bơ, xanh da trời nhạt, xanh ngọc, màu pastel để tạo cảm giác mát mẻ, thoáng đãng, giảm thiểu hấp thụ nhiệt. Hơn nữa, các gam màu sáng còn góp phần điều chỉnh tâm trạng trở nên thoải mái, dễ chịu hơn. 

Một số lưu ý khi thi công sơn chống nóng

  • Với bề mặt mái tôn

Mái tôn cũ: Trước khi thi công cần vệ sinh bề mặt sạch bụi bẩn, tạp chất, dầu mỡ, xả nhám, tẩy sạch các vị trí bị gỉ và để khô tuyệt đối. Mặt khác, cần sơn lót một lớp chống gỉ lên những vị trí đã xử lý gỉ sét, bắt vít, mối nối, mép tôn để tăng tính chống gỉ, bảo vệ lớp sơn phủ.

Mái tôn mới: Xử lý sạch bề mặt tôn, để khô, xả nhám các vị trí tiếp giáp, mép tôn, mối nối nhằm tăng độ bám dính cho lớp sơn phủ. Đồng thời, cần sơn lót ở các vị trí bắt vít, mối nối để hạn chế gỉ sét. Sau khi sơn lót, để khô 6-8 tiếng mới sơn lớp sơn ngoại thất chống nóng.


Hai lớp sơn chống nóng có thể giúp giảm nhiệt cho ngôi nhà khoảng 10-20 độ C.

  • Với bề mặt tường

Với tường cũ, trước khi sơn chống nóng, cần phải cạo bỏ lớp sơn bị phong hóa, vôi cũ, tẩy dầu mỡ, rêu mốc rồi rửa kỹ bằng nước sạch và để khô. Trong khi đó, đối với tường mới, phải để khô và ổn định kết cấu tối thiểu từ 12-15 ngày; đồng thời làm sạch bụi bẩn, hồ vữa bám kém trên bề mặt tường.

Sau đó, thi công 2 lớp chống thấm để tăng khả năng chống rạn nứt chân chim và chịu thấm của bề mặt tường cũng như gia tăng độ bền cho hệ thống sơn phủ. Tiếp đến, sơn 1 lớp lót chống kiềm ngoại thất trước khi sơn phủ ngoại thất chống nóng.

  • Với bề mặt sàn mái

Cần đảm bảo tất cả các bề mặt phải khô ráo và làm sạch dầu mỡ, rêu mốc, bụi bẩn, sơn cũ. Đối với nền mới cần để tối thiểu 12-15 ngày để kết cấu xi măng ổn định. Nếu thời tiết quá hanh khô, cần làm ẩm sàn mái trước khi thi công. 

Sử dụng sơn chống nóng có hiệu quả hay không là thắc mắc chung của rất nhiều gia đình hiện nay. Theo nghiên cứu cũng như kinh nghiệm thực tế, hiệu quả của sơn chống nóng đến đâu phụ thuộc vào độ dày của lớp sơn đó. Lớp sơn càng dày thì hiệu quả càng cao. Một số thí nghiệm cho thấy, nếu sử dụng 2 lần phủ các loại sơn chống nóng thì có thể giúp giảm nhiệt cho ngôi nhà khoảng từ 10-20 độ C.

Tuy vậy, hiệu quả của sơn chống nóng còn phụ thuộc vào đặc điểm cụ thể của ngôi nhà. Ví dụ, mái nhà càng thấp thì chúng ta càng cảm nhận được hiệu quả của sơn cách nhiệt rõ ràng hơn. Ngoài sử dụng sơn chuyên dụng này, bạn cũng đừng quên việc trồng thêm cây xanh quanh nhà, cửa sổ, ban công, sân thượng... để gia tăng hiệu quả giảm nhiệt, nhất là vào những ngày hè nắng gắt, thời điểm nhiệt độ trong ngày lên cao nhất.

Hiện nay, nhiều người chọn các vật liệu thay thế như tấm tráng nhôm, tấm xốp, túi khí trong cách nhiệt để làm mát nhà vào mùa hè. Thế nhưng, đây là giải pháp giảm nhiệt chứ không phải cách nhiệt vì chúng không có tính năng phản xạ nhiệt. Thế nên, sơn chống nóng vẫn là lựa chọn không thể thay thế cho các công trình xanh ở Việt Nam và trên thế giới.

 

>> Xem thêm: